Năm 2020 và 2021 là một năm đầy thách thức với Việt Nam khi xuất hiện dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, nhiều doanh nghiệp đã vươn mình chuyển đổi số mạnh mẽ – điều mà trước đây họ rất đắn đo.
Chuyển đổi số được đánh giá là xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp thất bại do chưa hiểu đúng và chưa sẵn sàng về nguồn lực như công nghệ, nhân sự…
Theo Ông Vũ Minh Trí, Giám đốc VNG Cloud, chia sẻ tại sự kiện Tech Day 2019 tại TP HCM: “Có nhiều câu chuyện thành công, nhưng thực tế hơn 80% doanh nghiệp trong nước chuyển đổi số thất bại. Mọi người vẫn nghĩ chuyển đổi số là chuyển mọi thứ qua số, tốn tiền đầu tư nhưng không hiểu và không kiếm tiền được từ chuyển đổi số”
1. Mục tiêu chuyển đổi số không rõ ràng
Trước khi bắt đầu thực hiện chiến dịch chuyển đổi số, điều quan trọng nhất là phải xác định mục tiêu kinh doanh đúng đắn. Một mục tiêu rõ ràng và thông minh sẽ giúp tổ chức của bạn đạt được mức doanh thu vượt kỳ vọng.
Trước tiên hãy kiểm tra mục tiêu chuyển đổi số đã phù hợp với doanh nghiệp chưa? đội ngũ nhân viên có nắm rõ những mục tiêu này chưa? Họ có được thông báo chi tiết các bước chuyển đổi số trong tương lai?
Những khía cạnh doanh nghiệp cần quan tâm khi tiến hành xác định mục tiêu và kế hoạch chuyển đổi số:
- Tự động hóa quá trình
- Làm việc từ xa
- Công nghệ mới
- Một trang web mới
- Một chiến lược tiếp thị mới
- Thay đổi mô hình kinh doanh
- Trải nghiệm khách hàng đầu tiên khi áp dụng chuyển đổi kỹ thuật
Để tránh chiến dịch chuyển đối số thất bại, doanh nghiệp cần làm rõ mục tiêu trước và sau khi thực hiện chuyển đổi số.
2. Chưa có đủ kinh nghiệm chuyển đổi số
Thiếu kinh nghiệm trong chuyển đổi kinh doanh dẫn đến những sai lầm cơ bản, chẳng hạn như ban đầu đặt mục tiêu không chính xác, thiếu chiến lược rõ ràng, quản tài chính rủi ro và không đủ nguồn nhân lực. Những sai lầm này sẽ dẫn đến một chuỗi sai lầm tiếp đó làm cho chiến lược chuyển đổi số thất bại nhanh chóng.
Tất nhiên, các công ty hầu hết không có kinh nghiệm chuyển đổi số bởi họ vẫn đang làm việc trong mọi trường nửa số hóa nửa truyền thống. Cách tốt nhất là học hỏi từ những doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công.
3. Lãnh đạo thiếu khả năng thúc đẩy chuyển đổi số
Công nghệ là thành phần thiết yếu của chuyển đổi số, tuy nhiên công nghệ chỉ là công cụ, để thành công cần có người vận hành. Bởi lẽ, chuyển đổi số không chỉ là một thay đổi nhỏ lẻ mà là sự chuyển đổi cấu trúc toàn diện. Nhiệm vụ này cần lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới (transformational leaders). Những lãnh đạo này cần thể hiện khả năng quyết đoán, truyền cảm hứng, gương mẫu, giao quyền và động viên nhân viên.
4. Nền tảng văn hóa doanh nghiệp chưa thay đổi kịp thời để đáp ứng chuyển đổi số
Văn hóa doanh nghiệp có vai trò lớn trong việc thúc đẩy sáng tạo và phát minh ra những điều mới mẻ trong doanh nghiệp. Đây được cho là yếu tố quyết định đến khả năng thành công trong chuyển đổi số.
Giống như các cuộc cải cách hoặc thay đổi lớn, doanh nghiệp thường vấp phải phản kháng từ các bên liên quan cả bên trong và ngoài tổ chức, khiến rủi ro có thể gia tăng trong quá trình chuyển đổi số. Quá trình này sẽ thuận lợi hơn khi văn hóa doanh nghiệp khuyến khích nhân viên chấp nhận rủi ro và thất bại, để họ có thể học cách thích ứng nhanh chóng.
Trong nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chưa phải là mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy vì nguồn lực hạn chế nên nhiều lãnh đạo sợ thất bại, thậm chí còn xử phạt sai phạm. Thêm vào đó, văn hóa đổ lỗi của nhiều lãnh đạo khiến nhân viên ngại bước ra khỏi vùng an toàn của mình, do đó mà việc triển khai chiến lược chuyển đổi số trở nên chông chênh và gian nan hơn.
5. Bỏ qua chuyển đổi trải nghiệm khách hàng
Suy cho cùng việc áp dụng công nghệ cũng để thỏa mãn trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp trong khi chuyển đổi số công nghệ bỏ qua việc chuyển đổi số trải nghiệm khách hàng.
Áp dụng công nghệ là cánh tay nối dài của doanh nghiệp trong việc tự động hóa công việc chăm sóc khách hàng rút ngắn thời gian chờ đợi của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của công ty.
6. Rút ngắn quá trình chuyển đổi số
Tham vọng của các doanh nghiệp là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Do đó, doanh nghiệp luôn cố gắng thực hiện một số thay đổi cùng một lúc tuy nhiên điều này lại xảy ra sự chậm trễ và thất bại vì doanh nghiệp không thể kiểm soát mọi thứ cùng một lúc. Doanh nghiệp cần có một chiến lược thông minh để chuyển đổi từng quy trình – từng bước một.
7. Lựa chọn công nghệ không phù hợp
Tùy vào quy mô, mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp để lựa chọn các nền tảng công nghệ cho phù hợp. Việc lựa chọn nền tảng công nghệ không phù hợp ảnh hưởng đến hiệu quả của chiến dịch chuyển đổi số doanh nghiệp.
Công nghệ quyết định 70% sự thành công của doanh nghiệp trong tất cả các bước chuyển đổi số doanh nghiệp
Từ việc số hóa giấy tờ, số hóa văn phòng, làm việc từ xa đến chuyển đổi số quy trình làm việc đều cần sự can thiệp của công nghệ 4.0. Có thể thấy áp dụng công nghệ là xu hướng chuyển đổi số trong những năm tới.
Theo Nacencomm.vn